Lý thuyết Sinh 12 chân trời sáng tạo_Bài 7 Di truyền học Mendel và mở rộng học thuyết Mendel

 Thayhien.edu.vn xin giới thiệu đến các bạn các bài học lý thuyết Sinh học 12 Chân trời sáng tạo_Bài 7 Di truyền học Mendel và mở rộng học thuyết Mendel

Bài 7 Di truyền học Mendel và mở rộng học thuyết Mendel

I. Bối cảnh ra đời thí nghiệm của Mendel.

- Gregor Johann Mendel (1822 – 1884) được công nhận là “cha đẻ của di truyền học hiện đại” vì những nghiên cứu của ông về đặc điểm di truyền của đậu hà lan từ rất lâu, trước khi các nhiễm sắc thể hoặc gene được biết đến.

- Đương thời (những năm 1980), người ta cho rằng vật chất di truyền của bố mẹ được truyền nguyên vẹn cho con và trong cơ thể con, vật chất di truyền của bố mẹ hòa trộn vào nhau nên con sinh ra giống cả cha và mẹ.

- Tuy nhiên, thực tế, một tính trạng nào đó có thể không xuất hiện ở con nhưng lại xuất hiện ở cháu.

- Mendel đã tìm ra con đường nghiên cứu: Tiến hành các phân tích định lượng, có sử dụng mẫu cỡ lớn để nghiên cứu riêng rẽ từng tính trạng qua các thế hệ lai trên đậu hà lan từ năm 1857 và hình thành học thuyết khoa học năm 1866.

II. Các thí nghiệm của Mendel

- Mendel đã chọn đậu hà lan (Pisum sativum) làm đối tượng nghiên cứu chính vì các đặc điểm sau đây:

+ Là loài tự thụ phấn, dễ tiến hành lai tạo.

+ Thời gian thế hệ ngắn, sinh sản nhiều, cho nhiều hạt.

+ Có nhiều đặc điểm đối lập (như hoa tím - hoa trắng, hạt trơn - hạt nhăn,...).

1. Thí nghiệm lai một cặp tính trạng.

a. Bố trí thí nghiệm

- Các bước tiến hành của Mendel trên cây đậu Hà lan:

+ Bước 1: Chọn các dòng thuần chủng về từng tính trạng bằng cách cho cây đậu tự thụ phấn qua nhiều thế hệ.

+ Bước 2: Cho hai dòng đậu thuần chủng khác nhau về một hoặc nhiều tính trạng tương phản thụ phấn chéo để tạo ra thế hệ lai F1.

+ Bước 3: Cho các cây F1 tự thụ phấn để tạo ra thế hệ lai F2.

+ Bước 4: Sử dụng thống kê toán học để phân tích số liệu thu thập được từ một số lượng lớn đời con F2, từ đó đưa ra giả thuyết.

+ Bước 5: Tiến hành các thí nghiệm để chứng minh cho giả thuyết.

- Giải thích kết quả:

+ Ở F1: Chỉ xuất hiện đặc tính trội, không có đặc tính lặn.

+ Ở F2: Đặc tính lặn tái xuất hiện.

Chứng tỏ: Vật chất di truyền quy định tính trạng không hòa trộn vào nhau mà tồn tại độc lập với nhau trong tế bào cơ thể → bác bỏ thuyết di truyền pha trộn.

+ Kết quả lai ở F2:


b. Đề xuất và chứng minh giả thuyết

- Đề xuất giả thuyết mới:

+ Mỗi tính trạng của cây do một cặp nhân tố di truyền quy định.

+ Các nhân tố di truyền tồn tại riêng rẽ, không pha trộn với nhau và được truyền nguyên vẹn từ bố mẹ, qua giao tử, sang con cái.

+ Mỗi cây tạo ra hai loại giao tử với tỉ lệ bằng nhau, mỗi giao tử chỉ chứa một trong hai nhân tố di truyền, hoặc của bố, hoặc của mẹ.

+ Sự kết hợp ngẫu nhiên của các giao tử trong quá trình thụ tinh dẫn đến sự phân li tính trạng ở đời con.

- Chứng minh giả thuyết:

+ F2 phân li 3:1 = 4 tổ hợp giao tử thì mỗi cá thể F1 cho 2loại giao tử. Suy ra cơ thể F1 mang 1 cặp NTDT.

+ Trong TN của Mendel, tính trạng xuất hiện ở F1 là tính trạng trội  Tím là tính trạng trội; trắng là tính trạng lặn.

+ F2 xuất hiện ¼ trắng chứng tỏ F1 mang cả nhân tố di truyền quy định màu hoa tím và trắng.

- Kiểm tra giả thuyết:

+ Sử dụng phép lai kiểm nghiệm (lai phân tích), chứng minh cặp nhân tố di truyền ở F1 tồn tại độc lập và được phân li về hai giao tử với tỉ lệ bằng nhau

+ Tiến hành phép lai kiểm nghiệm như vậy với 6 tính trạng khác cũng cho kết quả tương tự.

c. Hình thành học thuyết.

- Quy luật phân li: Mỗi tính trạng do một cặp allele tồn tại độc lập nhau trong mỗi tế bào quy định, một allele có nguồn gốc từ bố, allele còn lại có nguồn gốc từ mẹ. Khi giảm phân, các thành viên của một cặp allele phân li đồng đều về các giao tử, nên 1/2 số giao tử chứa allele này còn 1/2 số giao tử chứa allele kia.

d. Cơ sở tế bào học của quy luật phân li

- Cặp nhân tố di truyền có bản chất là cặp allele của một gene. Sự phân li của cặp nhân tố di truyền được thực hiện qua sự nhân đôi và phân li của NST kép tương đồng trong quá trình giảm phân. Kết quả là mỗi giao tử chỉ chứa một trong hai nhân tố di truyền (gene) quy định tính trạng.

2. Thí nghiệm lai hai tính trạng.

a. Bố trí thí nghiệm

- Mendel tiếp tục tiến thí nghiệm về hai tính trạng ở đậu hà lan như sau:

Pt/c: (lai thuận và nghịch):

cây hạt vàng, vỏ trơn   x   cây hạt xanh, vỏ nhăn

F1: 100% cây cây hạt vàng, vỏ trơn

F1 tự thụ phấn → F2:

+  9/16 cây hạt vàng, vỏ trơn

+  3/16 cây hạt xanh, vỏ trơn

+   3/16 cây hạt vàng, vỏ nhăn

+   1/16 cây hạt xanh, vỏ nhăn

- Mendel đã lặp lại thí nghiệm 7 lần cũng cho kết quả tương tự.

- Giải thích kết quả: Kết quả phân li kiểu hình 9 : 3 : 3 : 1 ở đời F2 là do:

+ Hai cặp nhân tố di truyền quy định hai tính trạng phân li độc lập với nhau về các giao tử.

+ Mỗi cây F1​ tạo ra 4 loại giao tử mang các tổ hợp nhân tố di truyền với tỉ lệ ngang nhau.

+ Các giao tử kết hợp ngẫu nhiên tạo ra 16 tổ hợp nhân tố di truyền ở đời F2​ với xác suất bằng nhau là 1/16

+ Nhân tố di truyền trội lấn át sự biểu hiện của nhân tố lặn nên chỉ có 4 kiểu hình với tỉ lệ 9 : 3 : 3 : 1.


III. Ý nghĩa các qui luật của Mendel

- Chứng minh sự di truyền tính trạng chính là sự truyền đạt nhân tố di truyền.

- Các quy luật di truyền của Mendel đặt nền móng cho di truyền học hiện đại.

- Sự truyền đạt "nhân tố di truyền" của Mendel chính là sự phân li và tổ hợp các gene cùng với sự phân li và tổ hợp nhiễm sắc thể trong giảm phân, thụ tinh.

- Giải thích sự đa dạng di truyền; đảm bảo các loài sinh sản hữu tính có khả năng thích nghi cao trước sự thay đổi của môi trường, đồng thời giải thích vì sao khó có thể tìm được hai cá thể hoàn toàn giống nhau.

IV. Mở rộng học thuyết của Mendel

1. Mở rộng học thuyết của Mendel cho một gene

- Các nghiên cứu sau này cho thấy mỗi gene có thể có nhiều hơn hai allele, các allele của cùng một gene (gene allele) tương tác với nhau theo nhiều cách mà bản chất sự tương tác giữa các gene allele là sự tương tác giữa các sản phẩm của gene.

a. Trội không hoàn toàn và đồng trội

- Một allele cho sản phẩm protein chức năng bình thường, allele còn lại không tạo ra sản phẩm protein bình thường:

+ Ở trạng thái dị hợp, một allele tạo ra sản phẩm thì lượng sản phẩm tạo ra bằng một nửa so với thể đồng hợp hai allele cùng tạo sản phẩm protein nên không đủ để hình thành kiểu hình bình thường.

- Một biến thể khác của mối quan hệ giữa các gene allele là đồng trội (di truyền tương đương) khi hai allele đều có giá trị như nhau. Ví dụ (SGK)

b. Gene đa allele

- Phần lớn các gene tồn tại ở nhiều dạng allele khác nhau. Ví dụ (SGK)

c. Tác động của một gene lên nhiều tính trạng

- Trường hợp một gene chi phối nhiều tính trạng được gọi là tính đa hiệu của gene. Ví dụ (SGK)

2. Mở rộng học thuyết của Mendel cho hai hay nhiều gene

- Các gene khác nhau (gene không allele) cùng nằm trên một nhiễm sắc thể hoặc trên các nhiễm sắc thể khác nhau tương tác với nhau cùng quy định một tính trạng. Thực chất sự tương tác giữa các gene không allele là tương tác giữa các sản phẩm của gene với nhau:

+ Các gene không allele tạo ra các sản phẩm khác nhau, trong đó, sản phẩm của gene này có thể làm thay đổi sự biểu hiện của sản phẩm mà gene khác tạo ra. Ví dụ (SGK)

+ Các gene không allele tạo ra các sản phẩm khác nhau, các sản phẩm đó tham gia vào một chuỗi phản ứng nối tiếp nhau để tạo ra các sản phẩm trung gian và kết thúc tạo nên sản phẩm cuối cùng. Ví dụ (SGK)

+ Các gene không allele tạo ra các sản phẩm tương tự nhau, các sản phẩm đó kết hợp với nhau theo cách mỗi sản phẩm góp một phần như nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Sự biểu hiện của sản phẩm cuối cùng phụ thuộc vào số lượng allele trội hay allele lặn có mặt trong kiểu gene. Ví dụ (SGK)

 


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Đọc tiếp:
Lên đầu trang
Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube